Quang cao giua trang

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM – 77 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Thứ hai - 20/12/2021 02:39
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và 32 năm “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” (22/12/1989 - 22/12/2021)
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM – 77 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Chặng đường anh hùng trong 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tô thắm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh.
I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM – 77 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 77 năm xây dựng, phát triển đã kế thừa và phát huy truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành.
1. Sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam vai trò nòng cốt trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định sự tất yếu phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền. Vì vậy, khi vừa ra đời, trong phong trào cách mạng 1930-1931, Đảng đã chủ trương thành lập các Đội tự vệ đỏ (xích đỏ). Những năm 1940-1945, lần lượt các tổ chức vũ trang ra đời như: Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ, đội Du kích Pắc Bó, các Trung đội Cứu Quốc quân. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh vũ trang đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Ngay sau ngày thành lập, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã Chiến thắng trận Phay Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh là chắc thắng, thắng ngay từ trận đầu của quân đội ta.
Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành lập Việt Nam Giải phóng quân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (14/8 – 28/8/1945), lực lượng vũ trang đã làm nòng cốt, xung kích, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.
2. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
a. Tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1946) với chiến thắng tiêu biểu là 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các đô thị phía Bắc (19/12/1946 – 2/1947) bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ lên căn cứ địa an toàn.
b. Tham gia toàn quốc kháng chiến, đánh bại thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1946-1954) với các chiến thắng tiêu biểu:
- Chiến thắng Việt Bắc thu – đông (1947): Đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.
- Chiến thắng Biên Giới thu – đông (1950): giúp quân dân ta giành được quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Chiến thắng trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, làm thất bại âm mưu của bọn can thiệp Mĩ. Buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơ ne vơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
3. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Sau tháng 7/1954, Quân đội ta là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”. Nhiệm vụ và phương châm lúc này là: Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Ở miền Nam, để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong suốt 21 năm đất nước bị tạm thời chia cắt quân đội ta đã sát cánh cùng nhân dân, đoàn kết với các dân tộc Lào và Cam pu chia từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai Sài Gòn.
- 1954 – 1960, quân đội ta dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa trên toàn miền Nam làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mĩ và tay sai, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
- 1961 – 1965, quân dân ta chiến đấu và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ và tay sai, với các chiến công tiêu biểu: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài...
- 1965 – 1968, quân dân ta chiến đấu và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ và tay sai với chiến thắng tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
- 1969 – 1973, quân dân ta chiến đấu và làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đoàn kết với nhân dân Lào và Cam pu chia đánh bại chiến lược “Đông Dương hóa chiến tranh”.  
- Cùng với những chiến thắng trên chiến trường miền Nam, quân dân ta cũng lập được nhiều chiến công trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ trên miền Bắc, chiến công tiêu biểu là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mĩ ngừng hoàn toàn các hoạt động phá hoại miền Bắc và kí Hiệp định Pari (1/1973) mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, cưu nước.
- Sau Hiệp định Pari 1973, đế quốc Mĩ và tay sai ngang nhiên phá hoại, tiếp tục thực hiện các âm mưu “bình định”, “lấn chiếm”. Trước tình hình đó, quân dân ta phải tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào”.
- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trải qua ba chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.
4. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 2021)
Sau ngày đất nước thống nhất, quân đội Nhân dân Việt Nam ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Qua hơn 30 năm đổi mới, Quân đội ta đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước; nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách bảo vệ Tổ quốc, đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội đã thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì và thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu; tỉnh táo, chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng của Nhân dân.
Trong thời bình quân đội cũng ra sức xây dựng phát triển kinh tế, tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, quân đội đã triển khai đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trong thời gian qua chúng ta lại thấy đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng quân y ở tuyến đầu chống dịch, đấu tranh với tử thần bảo vệ tính mạng cho người dân. Cảm phục biết bao những người chiến sĩ, họ khoác trên mình màu xanh áo lính nhưng đảm đương nhiều sứ mệnh thiêng liêng. Trong bất kì nhiệm vụ nào những người lính cũng sẵn sàng xông pha, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Hẳn trong mỗi chúng ta sẽ nhớ mãi câu nói cuối cùng của thiếu tướng Nguyễn Văn Man: "Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm". (Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là một trong 13 người đã thiệt mạng trên đường đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020).
Trải qua 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, mỗi người tự xác định bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
  Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến tháng 12, được sự quan tâm chỉ đạo từ phía Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường, Tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lí – Giáo dục công dân đều có nhiều hoạt động tuyên truyền hướng đến kỉ niệm ngày Truyền thống quân đội Nhân dân Việt Nam. Riêng trong năm học này do tình hình dịch bệnh Cô vid – 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn trường đứng chân cho nên các hoạt động tuyên truyền, ngoại khóa đã không thể triển khai. Sự hình thành và những chiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam được lồng ghép vào nội dung bài học thuộc các bộ môn đặc thù như Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng an ninh; các hoạt động của Đoàn Thanh niên; tuyên truyền thông qua Website của nhà trường. Dưới đây là một số những hình ảnh về các hoạt động tuyên truyền tiêu biểu qua các năm học.
Hoạt động Ngoại khóa của Tổ Sử - Địa – GDCD – GDQPAN
(Năm học 2020 – 2021)
Một giờ học bộ môn An ninh quốc phòng của học sinh lớp 10A1
(Năm học 2020 – 2021)
Đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình tham gia Hội thao Giáo dục Quốc phòng và an ninh
Học sinh THPT Tỉnh Lâm Đồng.
Đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình tham gia Hội thao Giáo dục Quốc phòng và an ninh
Học sinh THPT Tỉnh Lâm Đồng.

Tác giả bài viết: Phạm Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ABC
ABC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây